Khi bắt đầu bán hàng trên Amazon, một trong những quyết định đầu tiên của bạn là phải lựa chọn thị trường mình muốn chinh phục. Hiện tại Amazon đã có website trên 20 quốc gia khác nhau có thể kể tới là:
- Bắc Mỹ: Mỹ, Canada, Mexico
- Nam Mỹ: Brazil
- Châu Âu: UK, Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức, Hà Lan, Phần Lan, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kì
- Trung Đông: UAE, Ả rập, Ai cập
- Châu Á: Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, Úc
Tuy nhiên, đa số mọi người sẽ chỉ nghĩ đến thị trường Mỹ. Vậy tại sao lại là Mỹ mà không phải thị trường nào khác?
1. Tại sao đa số nhà bán chọn thị trường Mỹ?
1.1. Thị trường Mỹ tiềm năng
Mỹ là một quốc gia lớn đa sắc tộc, đa tôn giáo dẫn tới việc nhu cầu về tiêu dùng sản phẩm phân mảnh và đa dạng, tạo cơ hội cho bạn bán nhiều thứ ở Mỹ.
Ngoài ra, GDP đầu người ở Mỹ cũng luôn nằm ở TOP, họ có thu nhập cao, chi tiêu hàng năm cao nên bạn bán hàng cũng dễ bán được sản phẩm với giá bán tốt hơn.
Do Mỹ là một quốc gia lớn đa sắc tộc, đa tôn giáo nên trong năm có rất nhiều ngày lễ, trải khắp các tháng trong năm. Vì vậy, mỗi dịp lễ chính là cơ hội bán hàng bởi nhu cầu mua sắm các vật phẩm đặc biệt trong dịp lễ, quà tặng như sinh nhật, lễ kỷ niệm, ngày của cha, ngày của mẹ…
Tại Mỹ thường xuyên có nhiều drama, sự việc gây chú ý, tạo thành các trend để bán hàng, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, giải trí… và rất được dân Mỹ quan tâm. Các trend này liên tục xuất hiện, cần phải cập nhật từng giờ từng phút để hóng trend và nếu bạn tạo ra được sản phẩm liên quan trên Amazon, chạm đúng việc khách hàng đang quan tâm sẽ có thể tạo nên một campaign đắt hàng.
1.2. Thói quen mua sắm tại Mỹ
Người tiêu dùng tại Mỹ có những thói quen mua sắm khác biệt như:
- Ra quyết định mua hàng nhanh: người Mỹ khá dễ tính, có thể do thu nhập cao nên họ ra quyết định mua hàng nhanh, đặc biệt các sản phẩm trong khoảng giá dưới $50.
- Thanh toán trước nhận hàng sau: tại Mỹ chỉ có hình thức thanh toán trước qua ví, tài khoản chứ không có hình thức thanh toán khi nhận hàng COD như khi bán trong nước. Bạn có thể sử dụng số tiền này để xoay vòng vốn rất nhanh, tự tin mở rộng bán hàng của mình mà không sợ khách bom hàng như với COD. Tuy nhiên, phải có một bên trung gian đủ uy tín để đứng ra bảo lãnh thì khách hàng mới yên tâm thanh toán trước cho việc mua sắm, tránh bị lừa. Khi mua sắm trên TMĐT như Amazon, khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm với chính sách bảo vệ khách hàng của họ, đặc biệt là Amazon có nhiều chính sách đổi trả, bảo vệ khách hàng, Seller sẽ rất khó để bùng hàng, Non-ship với nền tảng này. Từ đó khách hàng sẽ yên tâm hơn trong việc thanh toán trước nhận hàng sau.
1.3. Sự đơn giản về thủ tục
Ngoại trừ một số mặt hàng mang yếu tố chính trị, mặt hàng giá trị cao (giá thành & chất xám), mặt hàng liên quan tới sức khỏe ra thì việc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ khá đơn giản.
Chính vì nhu cầu cao nên dịch vụ cũng trăm hoa đua nở. Từ vận chuyển, kho bãi, chứng chỉ, thanh toán, quản lý, hỗ trợ,…. đều có sẵn, thậm chí cần phải cân nhắc lựa chọn khi có quá nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ khi bán hàng trên Amazon.
Tương tự với các dịch vụ hỗ trợ thì các công cụ về nghiên cứu thị trường, quản lý bán hàng cũng vậy. Hầu như nó được tạo ra chỉ để dành riêng cho việc hỗ trợ bán hàng tại thị trường Mỹ. Thông tin từ thị trường Mỹ từ đó cũng luôn được update mới nhất, giúp cho việc bán hàng trở nên thuận tiện hơn rất nhiều.
Các Supplier (nguồn hàng) cũng từ đó ưu ái sản xuất sản phẩm để bán qua Mỹ hơn, từ đó hình thành nên thứ được gọi là Tiêu Chuẩn Mỹ – một loại tiêu chuẩn mà người ta sử dụng làm thước đo cho sự hoàn thiện, mà từ đó mới đem đi phát triển mở rộng qua các thị trường khác. Ngay cả đồng tiền của Mỹ (MỹD) và ngôn ngữ phổ biến tại Mỹ (English) cũng được sử dụng như một phương thức giao dịch chung khi ra quốc tế.
1.4. Cộng đồng nhà bán hàng lớn
Người ta có câu:”Buôn có bạn bán có phường”, điều này chỉ nên việc muốn kinh doanh thuận lợi luôn cần có một cộng đồng phát triển hỗ trợ lẫn nhau.
Bạn sẽ chẳng hề mong muốn tới một thị trường Tiềm năng nhưng nhiều khó khăn chưa được giải quyết. Việc mở đường, phá băng một thị trường mới mang lại nhiều cơ hội nhưng liệu bạn có đủ sức, đủ tiềm lực tài chính để làm nó hay không? Có lẽ nó phù hợp hơn với những doanh nghiệp lớn, sẽ rất khó khăn nếu bạn chỉ là một nhà bán nhỏ lẻ.
Với thị trường Mỹ, một thị trường được khai phá nhiều năm thì dường như mọi con đường đều đã được rộng mở. Những thông tin bạn cần đều có sẵn trên Internet, chỉ cần chủ động chịu khó tìm hiểu một chút. Cùng với đó là cộng đồng seller bán Amazon đông đảo, nơi mình có thể tìm kiếm được sự hỗ trợ, tham khảo thông tin, những case study thành công, tìm kiếm người dẫn dắt, định hướng dễ hơn rất nhiều.
Trên đây là 4 lý do cơ bản về việc tại sao mọi người đa phần sẽ chọn thị trường Mỹ để bắt đầu kinh doanh.
2. Tại sao mình nên tìm kiếm cơ hội và mở rộng sang các thị trường còn lại?
2.1. Thị trường Mỹ cạnh tranh cao và gay gắt
Đi kèm với những nhu cầu cao và khi mà thị trường này không còn mới nữa thì đó là lúc bạn nhận ra để sinh tồn và phát triển tại thị trường Mỹ không còn đơn giản như trước. Ai cũng nói về Mỹ, khóa học Amazon nào cũng chỉ hướng dẫn bán ở Mỹ, rồi thì phương thức bán hàng càng dễ thì việc scale, copy nhau trở thành một trào lưu, một sự thật hiển nhiên. Ai mạnh, ai nhanh, người đó là người chiến thắng. Sẽ chẳng có gì dễ dàng cho một người mới chân ướt chân ráo, mơ về một màu hồng (do được vẽ ra bởi các thầy), chỉ cần cố gắng nhỏ sẽ có thành công lớn là có thể bán trên Amazon. Một khi chất lượng sản phẩm đã chạm đỉnh, một khi sự sáng tạo bị coi rẻ, thì đó là lúc cuộc chơi về giá sẽ sàng lọc thị trường tàn bạo nhất. Buôn tài không bằng dài vốn, nếu ai không đủ nguồn lực để đua đường dài thì tự khác phải thoái lui.

Thị trường đâu chỉ có Mỹ!
Thị trường Mỹ là chủ lực, traffic lớn, nhưng còn lại 19 thị trường khác ai bảo là không tiềm năng đâu? Traffic về tổng của tất cả thị trường của Amazon rơi vào tầm ~6 tỉ/tháng, Mỹ chiếm khoảng hơn 1/3 là 2,6 tỉ. Vậy miếng bánh khá lớn còn lại thì sao?
Ví dụ mình có một số sản phẩm bán tạm ổn ở Mỹ, cạnh tranh lớn, nhưng chỉ ghé nhẹ sang Canada, một thị trường lân cận thôi, không check không biết, nó lên Best seller tự khi nào. Việc mở rộng cũng không quá khó khăn như mình nghĩ, Amazon có chức năng tự động chuyển đổi ngôn ngữ, chuyển đổi tỷ giá giúp mình dễ dàng hơn trong việc mở rộng thị trường mới. Việc của bạn đơn giản là tìm supplier có khả năng cung cấp hàng qua đó mà thôi! Việc bạn tiếp cận một thị trường mới sẽ khiến bạn ngạc nhiên, cứ nghĩ là khó và sẽ mãi khó nếu bạn giữ ý nghĩ đó trong đầu. Ai cũng sợ, thì đó là cơ hội rồi. Thay vì phải cạnh tranh gay gắt tại Mỹ thì khi tới với một thị trường mới được khai phá, việc bạn một mình một thuyền không phải là chuyện hiếm. Thay vì cần phải tối ưu từ sản phẩm, từ giá, từ ngân sách quảng cáo, thì khi tới với một thị trường mới, đôi khi bạn chỉ cần bê nguyên những sản phẩm win ở thị trường cũ, tối ưu lại SEO cho phù hợp với văn hóa bản địa là bạn đã có thể có được một chiến dịch bán hàng tốt rồi.
2.2. Tìm thấy thị trường phù hợp hơn với sản phẩm của bạn
Rất nhiều nhà bán mang những sản phẩm cây nhà lá vườn sang Amazon Mỹ bán, rõ là ở sân nhà sản phẩm bán ầm ầm, nhưng sang Mỹ thì lại ế, bán tiếp ko được, mang về không xong vì phí vận chuyển cao quá nên khi ế hàng thường phải bán xả, tệ hơn là tiêu hủy mà vẫn mất phí. Sản phẩm tốt nhưng lại không đúng thị trường.
Còn với việc tìm hiểu về các thị trường khác, tuy là ta biết nó rất tiềm năng đấy, nên việc đầu tiên chúng ta cần làm đó là đọc và tìm hiểu các thông tin về nó. Xem là các điều kiện tự nhiên ở đó như thế nào, văn hóa mua sắm ra sao, đối tượng khách hàng mục tiêu là ai, nhu cầu của họ như thế nào,… tìm hiểu càng nhiều càng tốt để có thể phát triển sản phẩm của mình theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường, xây dựng hướng tiếp cận một cách phù hợp nhất! Mình chắc chắn là nếu như bạn làm tốt bước này thì mọi mặt hàng đều có thể tìm thấy bến đỗ phù hợp dành riêng cho nó. Giống câu chuyện một hòn đá được định giá khác nhau khi đem tới những nơi mà người mua định giá đúng giá trị của nó vậy.
Có thể lô hàng của bạn thay vì chịu số phận ế ẩm tại Mỹ thì lại bán đắt như tôm tươi, thậm chí bán được giá cao gấp nhiều lần nếu đem nó sang Trung Đông, hay một số thị trường có nhiều đặc điểm giống Việt Nam!
Tính thời điểm cũng là một trong số những yếu tố ảnh hưởng lớn tới việc tiêu thụ hàng hóa, nên ngoài việc lựa chọn thị trường phù hợp thì lựa chọn thời điểm ra mắt sản phẩm ở đó cũng là thứ khiến chúng ta phải lưu tâm rất lớn!
2.3. Lợi thế của người đi đầu
Đi đầu tuy là khó khăn, nhưng một khi bạn làm được, làm tốt thì việc xây dựng thương hiệu riêng sẽ trở nên hết sức dễ dàng. Khi mà khách hàng đã quá quen thuộc với hình ảnh của bạn một thời gian thì sau này dù có xuất hiện thêm nhiều những đối thủ khác cũng khá là khó để thay đổi tâm trí của họ. Việc của bạn khi cạnh tranh lúc này không nằm ở giá bán nữa, mà là việc tăng thêm trải nghiệm khách hàng, giữ những giá trị nguyên bản – thứ mà khách hàng cảm thấy quen thuộc khi nhớ tới bạn. Ngoài ra, khi bạn đã có kinh nghiệm tháo gỡ những khó khăn trước đó, bạn hoàn toàn có thể mở rộng những dịch vụ đi kèm nhằm hỗ trợ những người đi sau. Ngoài việc tạo dựng một hình ảnh tốt đẹp về thương hiệu của bạn thì lợi nhuận từ những dịch vụ hỗ trợ đó đôi khi lại là một hướng phát triển mới, giúp tăng doanh số, lợi nhuận có khi còn cao hơn cả hướng phát triển sản phẩm cốt lõi của bạn!
Vậy lựa chọn thị trường bán hàng trên Amazon cũng là một lựa chọn quan trọng. Thị trường Mỹ phát triển nhưng đầy cạnh tranh, hay lựa chọn thị trường mới ít cạnh tranh nhưng cũng nhiều thách thức?
Hiện Maslow Ecom có những khóa học đào tạo kinh doanh Etsy và Amazon cho những người mới bắt đầu. Nếu bạn quan tâm đến khóa học của chúng tôi, vui lòng xem thông tin Khóa học và Đăng ký
Liên hệ trực tiếp với chúng tôi!
Xem và đọc nhiều bài viết hơn tại đây